Cách xây dựng công sở vững mạnh, vui vẻ
Khi nhân viên có nỗi niềm tâm sự nhưng không ai chú ý tới, họ sẽ mắc kẹt trong trạng thái cô độc. Họ cũng sẽ không lắng nghe hay quan tâm tới những điều bạn nói. Hãy cố gắng
Một môi trường làm việc vững mạnh là nền tảng cơ bản để công ty thành công trong mọi hoạt động, từ cung cấp dịch vụ tốt nhất cho khách hàng đến tận dụng tối đa năng suất của nhân viên…
Là một người quản lí, bạn có thể áp dụng 6 cách cơ bản dưới đây để xây dựng một công sở vững mạnh:
1. Loại bỏ những căng thẳng không cần thiết cho nhân viên
Để biết những căng thẳng không đáng có của nhân viên, những sếp thông minh sẽ đặt ra câu hỏi trực tiếp: “ Công ty có điều gì khiến bạn căng thẳng, mệt mỏi và làm ảnh hưởng tới hiệu quả công việc?” Có thể năng lượng của nhân viên bị phung phí vào những lo lắng về nạn quan liêu trong công ty, về những khó khăn khi thực hiện công việc, thiếu thốn về thông tin và trang bị… Hãy tìm hiểu khó khăn của nhân viên và loại bỏ những trở ngại không cần thiết. Làm được điều đó, bạn sẽ khiến nhân viên đạt tới đỉnh cao năng suất và hiệu quả công việc.
2. Cung cấp thông tin rõ ràng cho nhân viên
Thông tin mập mờ, không rõ ràng cũng là một nguyên nhân khiến tinh thần làm việc của nhân viên sụt giảm. Lảng tránh vấn đề hay nói dối chỉ làm cho tình hình trở nên nghiêm trọng hơn. Do đó, hãy cho họ biết những thông tin cần thiết, về những gì đang diễn ra trong công ty, phòng ban, kể cả chuyện không vui. Nhân viên càng biết nhiều về những gì đang diễn ra, họ càng mất ít thời gian cũng như năng lượng suy đoán và lo lắng về những điều họ không biết. Môi trường làm việc sẽ được gắn chặt hơn khi mọi người cùng biết và cùng nhau hướng tới mục tiêu chung.
3. Truyền động lực cho nhân viên
Làm cho nhân viên có động lực và gắn kết với công ty là một nhiệm vụ quan trọng nhưng rất khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế. Họ sẽ có nhuệ khí làm việc nếu thấy một tầm nhìn hấp dẫn về tương lai tốt đẹp của công ty, về sự khác biệt họ đem lại. Do đó, hãy truyền động lực cho nhân viên bằng những lời ca tụng, những câu chuyện về tấm gương sáng trong công ty, về những lá thư cám ơn của khách hàng… Bạn có thể thực hiện điều này trong cuộc họp định kì của phòng ban/ công ty hay trong các thông báo chung.
4. Đảm bảo nhân viên cố gắng hết mình để giành thắng lợi nhưng không suy sụp khi thất bại
Nếu nhân viên gặp thất bại trong công việc nhưng không nhận được sự chia sẻ từ sếp, họ sẽ mang tư tưởng và trạng thái cảm xúc đó tới mọi việc khác. Điều này tiếp diễn sẽ không chỉ ảnh hưởng tới sự nghiệp của nhân viên nói riêng mà còn cả năng suất, hiệu quả của công ty nói chung. Vì vậy, bên cạnh việc động viên nhân viên làm việc hết mình, một người quản lí cũng cần giúp đỡ khi họ gặp thất bại, giúp họ rút ra bài học và động viên họ tiếp tục phấn đấu.
5. Chúc mừng thành công của nhân viên
Ăn mừng thành công của công ty và của cá nhân không chỉ tạo ra tiếng vang tích cực, nó còn giúp nhân viên nhận thấy bản thân mình như một phần của chiến thắng. Hành động này chắc chắn sẽ nuôi dưỡng thái độ làm việc nhiệt huyết hơn và tinh thần sẵn sàng đương đầu và vượt qua thách thức của nhân viên.
Hơn nữa, khi giai đoạn khó khăn mang tới những thông tin tiêu cực, bằng cách thu hút sự chú ý tới thành thành công, bạn sẽ mang tới sự tích cực cho nhân viên. Chúc mừng và trao thưởng xứng đáng cho nhân viên, bạn sẽ tăng cường niềm tin vào công ty của họ. Bạn sẽ nâng trạng thái cảm xúc của nhân viên lên trạng thái hi vọng, nghĩa là nhân viên luôn tin rằng mình có thể vượt qua bất cứ trở ngại nào.
6. Thấu hiểu cảm xúc của nhân viên
Khi nhân viên có nỗi niềm tâm sự nhưng không ai chú ý tới, họ sẽ mắc kẹt trong trạng thái cô độc. Họ cũng sẽ không lắng nghe hay quan tâm tới những điều bạn nói. Hãy cố gắng hiểu được những trăn trở của nhân viên, kể cả trong công việc cũng như cuộc sống riêng. Từ đó, bạn sẽ thắt chặt mối quan hệ giữa nhân viên và người quản lí cũng như xây dựng môi trường làm việc hòa hợp, vững mạnh.
Leave a Reply